Tin Tức
Không chỉ Việt Nam, thế giới cũng "sợ hãi" trước thép Trung Quốc
Làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc không chỉ khiến ngành thép Việt Nam mà ngay cả các cường quốc trong lĩnh vực này như Anh, Đức vô cùng lo ngại.
Thép Trung Quốc xâm chiếm châu Âu
Theo số liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố, trong 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4,7 triệu tấn thép, tăng tới 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chỉ tính riêng nguồn nhập Trung Quốc đã chiếm 2,9 triệu tấn và tăng tới 70,5% so với cùng thời điểm này vào năm 2015. Nhìn rộng ra, chỉ trong quý 1/2016, số thép được đưa về từ quốc gia này đã bằng 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả năm 2015 (khoảng 15 triệu tấn).
Trên thực tế mọi năm, quý đầu tiên bao giờ cũng là lúc các công trình xây dựng, dự án nhà ở ít khởi công hoặc triển khai chậm do vướng vào thời gian nghỉ tết kéo dài. Nhưng như vậy mà lượng thép nhập khẩu đã tăng đột biến, vì thế nhiều khả năng trong những tháng tiếp theo con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn. Chính vì thế, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã bày tỏ lo ngại, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ cho thép Trung Quốc.
Những lo ngại trên không chỉ là của riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang "đau đầu" bởi vấn nạn thép Trung Quốc giá rẻ. Mới đây nhất, Anh đã bày tỏ quan ngại ở cấp ngoại giao về cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và đề nghị Trung Quốc giảm sản lượng xuất khẩu sang nước này. Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Thép lớn thứ 6 thế giới Tata (Ấn Độ) muốn rút lui khỏi Anh do không thể cạnh tranh với thép Trung Quốc.
Nếu Tata rời khỏi Anh, sẽ có hàng chục nghìn lao động nước này mất việc cũng như vị thế của ngành công nghiệp thép Xứ sở Sương mù chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hồi đầu năm 2016, chỉ riêng việc Tata cải tổ hoạt động tại nhà máy Port Talbot (xứ Wales) đã khiến hơn 1.000 công nhân ra đường. Tuy nhiên từ đó đến nay tình trạng khó khăn của nhà máy này vẫn không được cải thiện.
Trong khi đó, vào ngày 11/4 vừa qua, hơn 45.000 công nhân làm việc trong ngành thép của Đức đã xuống đường biểu tình nhằm yêu cầu giới chức có thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn thép giá rẻ Trung Quốc đang ùn ùn đổ vào nước này. Hiện tại, số phận của 3,5 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực và dịch vụ liên quan tới ngành thép ở Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục kéo dài.
Vấn nạn thép Trung Quốc còn lan tới cả Liên minh châu Âu (EU) khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Junker cho biết EU đang điều tra khả năng các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán phá giá tại thị trường châu Âu và sẽ có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết. Hồi tháng 2 vừa qua, EC đã mở 3 cuộc điều tra tương tự và đánh thuế đối với 2 sản phẩm thép của Trung Quốc.
Việc ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ không chỉ là vấn đề với nhiều quốc gia trên thế giới mà ngay cả với Trung Quốc, để thu hẹp nguồn xuất khẩu sản phẩm này cũng không hề dễ dàng. Hiện tại, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc đạt khoảng hơn 1 tỷ tấn, trong khi đó nhu cầu nội địa lại đang ở mức dư thừa, chính vì vậy nước này không còn cách nào khác là bắt buộc phải tăng lượng xuất khẩu. Năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu 110 triệu tấn thép , cao gấp 10 lần so với sản lượng thép của nước Anh và dự kiến trong những năm tiếp theo con số này sẽ tiếp tục tăng nữa.
Hết tự vệ, thép Việt đi về đâu ?
Nhằm bảo vệ ngành thép trong nước, hồi đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Ngay sau đó, thị trường đã có nhiều phản ứng tích cực, phôi thép đang có giá chào bán 8,1 - 8,3 triệu đồng/tấn , còn thép thành phẩm là 9,3-10,2 triệu đồng/tấn. Các con số này đều tăng mạnh so với trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, biện pháp tự vệ tạm thời này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 7/10/2016, sau thời điểm đó tương lai của ngành thép Việt Nam sẽ thế nào vẫn đang là câu hỏi chưa thể trả lời. Sẽ phải đối xử với thép Trung Quốc như thế nào khi đây không chỉ là quốc gia xuất khẩu phôi lớn nhất thế giới và cũng đứng thứ hai về nhập khẩu thép thành phẩm chỉ sau Mỹ ?
Theo một số chuyên gia trong ngành thép, không chỉ là hiện tại mà kể cả sau thời điểm 7/10 tới, nếu tiếp tục áp thuế tự vệ lên phôi thép, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều DN trong nước có cả hai mô hình luyện phôi thép cán nóng và sản xuất, có thể kể đến như Việt Ý, Hòa Phát, Pomina ... Nhưng ngược lại, rất nhiều công ty chỉ sản xuất và phân phối thép sẽ phải chịu ảnh hưởng do giá tăng như Tôn Hoa Sen, Đông Á, Nam Kim ...
Mặc dù vậy, ngay cả khi áp dụng phòng vệ cho phôi thép Việt Nam thì sản phẩm này cũng rất khó để địch lại với đối thủ đến từ Trung Quốc. Riêng về lĩnh vực này, phía Trung Quốc đang vượt trội toàn diện về cả chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cho ngành thép cũng như công nghệ sản xuất đều hiện đại và có quy mô lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Hiện tại, giá thành phôi thép Trung Quốc đang thấp hơn của Việt Nam khoảng 20% - 40%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù có áp mức thuế tự vệ cỡ nào đi chăng nữa thì DN trong nước vẫn sẽ lựa chọn phôi thép có giá thấp hơn mà không cần quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả khi nếu muốn mua phôi của DN trong nước cũng không hề dễ dàng, bởi năng lực sản xuất sản phẩm này của hầu hết các DN chỉ đáp ứng được đủ nhu cầu của chính họ. Bên cạnh đó, việc sản xuất phôi cũng yêu cầu vốn lớn cùng rủi ro cao, chính vì vậy sẽ rất khó có DN nào sẵn sàng đứng ra phân phối sản phẩm này cho thị trường trong nước.
Cũng theo một thống kê mới đây của Công ty Chứng khoán Thiên Việt, những DN thép có lợi nhuận và doanh thu bền vững đều thuộc về các tên tuổi chủ yếu chỉ thực hiện khâu sản xuất thành phẩm như Tôn Hoa Sen, Nam Kim, Hòa Phát ... Trong khi đó những DN phụ thuộc vào sản xuất phôi như Việt Ý, Ponima ... đều phải chịu nhưng giai đoạn làm ăn thua lỗ.
Chính bởi vậy, khi nhận định về tương lai của ngành thép Việt Nam, nhiều DN cho rằng việc tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như gia công để xuất khẩu là hướng đi thích hợp nhất để tối ưu hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên các hướng đi này cũng không thực sự sáng lạn khi thép được DN trong nước làm ra cũng chỉ loanh quanh phục vụ thị trường nội địa và một số ít ỏi các quốc gia lân cận ở khu vực châu Á chứ chưa xâm nhập được các quốc gia quan trọng như Mỹ hoặc châu Âu. Không chỉ thế, mỗi khi tiến ra quốc tế, dù vào bất cứ thị trường nào, các DN Việt lại phải đối diện với đối thủ quá lớn là Trung Quốc. Và cách nào để đánh đổ "gã khổng lồ" này vẫn chưa có lời giải.